LÀM SAO ĐỂ HỌC SINH HÀO HỨNG THAM GIA HỌC NGHỀ ?
(NB&CL) Chuyên gia cho rằng do nhận thức nên nhiều người đánh giá thấp học nghề, bên cạnh đó chất lượng giáo dục nghề nghiệp chưa đáp ứng dẫn tới nhiều người không mặn mà lựa chọn theo học.
Học sinh, phụ huynh không mặn mà với học nghề
Hiện nay, các địa phương đang tiến hành công bố tuyển sinh lớp 10, các trường cao đẳng nghề cũng bắt đầu lên phương án tuyển sinh hệ cao đẳng lấy đầu vào là học sinh THCS. Cũng như mọi năm, vấn đề tuyển sinh lớp 10 công lập đang nóng lên.
Tại Hà Nội năm học 2024 – 2025, toàn TP. Hà Nội có khoảng 133.000 học sinh tốt nghiệp THCS, tăng hơn 5.000 em. Dự kiến, 81.200 học sinh sẽ được tuyển vào trường THPT công lập (chiếm hơn 60%), 29.100 em học tư thục (21,5%), còn lại vào trung tâm giáo dục thường xuyên và các trường nghề. Với chỉ tiêu trên số học sinh đi học nghề và học tại các trung tâm giáo dục thường xuyên rất lớn.
Tuy nhiên, theo khảo sát của phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, đa số phụ huynh học sinh không mặn mà gì với trường nghề. Bởi theo họ, chỉ có thi trượt trường công lập, năng lực học yếu thì mới đi theo học nghề. Chị Nguyễn Thị Vân Anh ở Nam Từ Liêm, Hà Nội chia sẻ, dẫu biết học nghề đang là xu hướng, cũng là một phương án, nhưng chị và gia đình không lựa chọn vì chị cũng như nhiều người vẫn nghĩ, học dốt thì mới theo học nghề, còn học giỏi sẽ đi học bậc THPT sau đó học lên đại học. Chị sợ con chị sẽ bị tâm lý, sau đó chán nản và bỏ học.
Thực tế hiện nay, chương trình ở nhiều trường nghề song bằng phù hợp với nhiều đối tượng học sinh. Đặc thù của chương trình này rút ngắn thời gian học tập, tiết kiệm chi phí, tiêu chí tuyển sinh chỉ cần xét học bạ. Hệ Trung cấp Song bằng 9+ đang có nhiều nghề nghiệp để học sinh lựa chọn. Theo học chương trình này, sau 3 năm học, sinh viên hoàn thành chương trình THPT và đạt bằng trung cấp nghề. Chương trình học văn hóa sẽ được rút gọn chỉ còn 7 môn chính, song song các em sẽ học các môn chuyên nghề. Sau 2 năm học, các em sẽ nhận được bằng trung cấp nghề, và 1 năm cuối cùng sẽ dành để ôn thi tốt nghiệp THPT.
Điều đặc biệt của chương trình nghề kết hợp học văn hóa, sau khi tốt nghiệp, các em có thể tiếp tục liên thông lên Cao đẳng và Đại học, tạo điều kiện thuận lợi rút ngắn được hành trình học. Khi theo học chương trình này, các em được tốt nghiệp cao đẳng chính quy ở tuổi 19. Cho phép sinh viên ra trường đi làm và ổn định cuộc sống ngay từ khi còn trẻ. Hơn nữa, sinh viên có thể học liên thông đại học vào cuối tuần và buổi tối, kết hợp với việc đi làm. Điều này giúp sinh viên có thể tiếp tục hoàn thiện kiến thức và lựa chọn các trường đại học đa dạng theo từng ngành nghề phù hợp.
Rõ ràng nếu nhìn vào mô hình trường THPT và mô hình trường nghề đào tạo song bằng thì mô hình trường nghề có nhiều ưu điểm và phù hợp với nhiều đối tượng học sinh. Đặc biệt, những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, những em ở vùng kinh tế khó khăn, những học sinh có thiên hướng nghề, đi xuất khẩu lao động, vào các khu công nghiệp làm công nhân… Với mô hình này, các em sẽ sớm tham gia được thị trường lao động, tiếp cận sớm với nghề nghiệp, nhanh chóng tự nuôi sống bản thân và độc lập sự nghiệp của mình, tránh phụ thuộc nhiều vào gia đình.
Bàn về vấn đề này, anh Nguyễn Trung Học ở quận Thanh Xuân cho rằng: “Thực tình do xã hội không trọng người học nghề, con anh xấu hổ nếu phải đi học nghề. Chính vì vậy, chưa muốn lựa chọn học nghề cho con theo học sau khi tốt nghiệp bậc THCS. Tôi vẫn biết, hiện có chương trình nghề phù hợp với các cháu, nhưng thực sự chưa yên tâm để cháu theo học”.
Chuyên gia nói gì?
Trước thực tế nhiều phụ huynh, học sinh không mặn mà theo học trường nghề, phóng viên Báo Nhà báo & Công luận đã có những trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm – Nguyên Phó Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục. Xung quanh vấn đề này, thầy Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, việc phân luồng học nghề hiện nay đang tồn tại nhiều bất cập.
Đáng lẽ, những học sinh vùng kinh tế khó khăn, những em có điều kiện hoàn cảnh gia đình khó khăn khi hoàn thành bậc THCS nên đi học nghề vì đây là lựa chọn phù hợp. “Tại thành phố, người ta có điều kiện để theo học bậc THPT còn đối với những khu vực điều kiện khó khăn, nên tăng cường học nghề. Vì ưu điểm chương trình này sớm nhất có việc làm và có thể tự nuôi sống bản thân. Sau đó, học lên cao đẳng, đại học” – thầy Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh.
Thầy Nguyễn Tùng Lâm cũng cho rằng, để thu hút học sinh sau bậc THCS học nghề thì dạy nghề cũng phải thiết thực. Các em phải có cơ hội vừa học vừa làm, có nghề để các em có thể giải quyết việc tự nuôi sống bản thân theo học. “Hiện đi xuất khẩu lao động là nhu cầu. Vì thế, giáo dục phải sớm rèn kỹ năng cho học sinh đi làm việc. Bên cạnh ngoại ngữ thì cần có kỹ năng nghề” – Thầy Nguyễn Tùng Lâm phân tích.
Học nghề càng sớm sẽ ổn định cuộc sống sớm! Ảnh minh hoạ.
Trong khi đó chuyên gia Trần Thành Nam – Chủ nhiệm khoa Các khoa Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, việc phụ huynh, học sinh chưa mặn mà với học nghề có xuất phát từ nhiều lý do. Như lo lắng nhiều nghề nghiệp tới đây bị thay thế bởi máy móc. Ngoài ra, giáo dục nghề nghiệp làm chưa tốt khi giáo dục cho cộng đồng về tầm quan trọng của học nghề.
“Mọi người đang có xu hướng nghĩ rằng học gì thì cũng phải có bằng đại học. Họ tin rằng, đầu tư cho giáo dục càng lên cao là con đường thay đổi thân phận của một người nhanh nhất. Trong khi, học nghề cũng có nhiều cơ hội phát triển bản thân” – chuyên gia Trần Thành Nam chia sẻ.
Cũng theo vị này, giáo dục nghề nghiệp hiện làm chưa tốt trong việc dạy nghề đi kèm với dạy người và học văn hóa. Có nhiều người, không cho con đi học nghề vì sợ hỏng người. “Nhiều phụ huynh lo lắng con học nghề chưa biết có tự nuôi sống được bản thân hay không nhưng dễ hỏng người. Vì cho rằng, trường nghề không chú trọng đào tạo phẩm chất, trình độ văn hóa” – ông Trần Thành Nam cho biết.
Trong khi đó hiện những người lành nghề còn có thu nhập cao hơn những tiến sĩ. Nhưng do nhận thức của cộng đồng chưa đúng nên nhiều người có thái độ hời hợt với học nghề. “Nếu bạn học nghề, làm nghề điêu luyện thì rất có giá trị” – chuyên gia này nhận định.
Tình trạng phân luồng sau bậc THCS theo tỷ lệ % nên nhiều người nghĩ học nghề chỉ dành riêng cho người thất bại. Sẽ không mấy ai hào hứng để học nghề. Kể cả người có đam mê họ cũng không dám dấn thân.
“Mọi người cần xác định, học gì cũng vất vả, học nghề để trở thành nghệ nhân cũng vất vả và đòi hỏi phải có sáng tạo riêng. Hiện có nhiều thạc sĩ thậm chí là tiến sĩ không xin được việc, công việc không đáp ứng được nhu cầu thu nhập trang trải cuộc sống nên quay lại học nghề. Đây là con đường tốn kém cả về thời gian và tiền bạc” – ông Trần Thanh Nam cho biết.
Như vậy, qua trao đổi với các chuyên gia có thể thấy học nghề là một sự lựa chọn hữu ích. Đặc biệt, đối với những học sinh vùng khó khăn, những em có điều kiện gia đình không khá giả, những em có khuynh hướng xuất khẩu lao động. Ưu điểm của học trường nghề, các em có được bằng cao đẳng nghề chỉ sau 4 năm học và có bằng THPT. Chính vì thế, sau này các em còn có cơ hội không chỉ làm nghề mà theo học lên các trường đại học mà các em yêu thích. Học nghề giúp các em sớm tham gia được vào thị trường lao động và tự nuôi sống được bản thân đó là những ưu điểm mà theo học trường THPT không có được.
Tác giả: Trinh Phúc
Bài viết liên quan